Dù "yểu mệnh" với nhiều lần phá sản và đổi chủ, nhưng cái tên Bimota vẫn luôn có một sức hấp dẫn lớn với những người yêu mô tô. Tên gọi này được bắt nguồn từ hai chữ cái đầu tiên của tên của ba người sáng lập: Valerio Bianchi, Giuseppe Morri và Massimo Tamburini.
Massimo Tamburini đã gặp tai nạn trên chiếc Honda 750 của mình tại trường đua Misano năm 1972, làm ông gãy ba xương sườn. Có thời gian rảnh trong khi hồi phục, ông đã thiết kế và chế tạo một khung thép hình ống có thể loại bỏ các vấn đề về độ vặn xoắn và khả năng kiểm soát vốn là căn bệnh trầm kha của tất cả các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản vào thời đó. Chiếc đầu tiên của Bimota - HB1, là kết quả của sự nỗ lực và tầm nhìn của nhà thiết kế thiên tài này.
Chỉ có 10 chiếc KB1 được sản xuất, bắt đầu khi công ty được thành lập vào năm 1973. Trong những năm đầu, Bimota chủ yếu sản xuất các bộ khung
xe đua; sau đó hãng bắt đầu tạo ra những cỗ máy hiệu suất cao được lắp ráp hoàn chỉnh hoặc dưới dạng kit độ. Khi chiếc KB1 nay đã trở thành huyền thoại được phát triển, công ty đã chắc chắn đạt được những thành công ban đầu. Bimota tiếp tục đứng ở vị trí số 1 về thiết kế mô tô hiệu suất siêu cao trong suốt thập niên 80, 90 của Thế kỷ XX và bước vào thiên niên kỷ mới trên cả đường đua và đường phố.
Hiện tại sau hơn 45 năm kể từ ngày thành lập, những chiếc Bimota ở bất kỳ thời đại nào cũng được tìm kiếm trên khắp thế giới vì vẻ đẹp, sự vượt trội về công nghệ và độ hiếm của chúng. Ngoài chiếc KB1 đầu tiên với động cơ Kawasaki, Bimota còn nổi tiếng bởi series Tesi với thiết kế hệ thống lái phía trước gián tiếp (hub center steering). Tuy nhiên trong lịch sử, Bimota còn không ít
mẫu xe tiên phong về mặt công nghệ khác nhưng lại ít được biết tới - trong đó bao gồm SB8R.
SB8R là chiếc mô tô sản xuất thương mại đầu tiên sử dụng sợi carbon trong kết cấu khung. Ngoài ra vật liệu siêu nhẹ này cũng được sử dụng ở nhiều chi tiết khác - bao gồm hệ thống hốc hút gió bất thường nhưng hiệu quả được tích hợp vào quây gió phía trước hay toàn bộ dàn đuôi. Bimota đã sử dụng động cơ từ các nhà sản xuất khác và chế tạo khung và thân xe của riêng họ để giảm trọng lượng và cải thiện khả năng kiểm soát so với mẫu xe nền tảng.
Trong trường hợp của SB8R, Bimota đã sử dụng động cơ V-Twin của chiếc Suzuki TL-1000 nhưng được cải tiến nhờ hệ thống nhiên liệu và pô do hãng thiết kế để có thể đạt công suất tối đa 135 mã lực. Bên cạnh đó chiếc xe còn sử dụng nhiều phụ tùng đỉnh cao vào thời kỳ đó như hệ thống phanh Brembo, phuộc USD phía trước cùng đơn monoshock phía sau do hãng Paioli của Ý sản xuất, mâm hợp kim siêu nhẹ.
Phải tới 20 năm sau, ý tưởng về những chiếc superbike với khung và thân bằng sợi carbon mới được nhiều
hãng xe lớn áp dụng thường xuyên hơn như Ducati V4 Superleggera, BMW HP4 Race. Và cũng giống như những chiếc xe hiện đại này, Bimota SB8R cũng là một chiếc siêu mô tô được sản xuất thủ công giới hạn: chỉ có tổng cộng 150 chiếc từng "ra lò", trong số đó 69 chiếc được xuất đi Mỹ.
Theo xedoisong.vn