Đã 9 năm từ chiếc hypercar đầu tiên đặt chân về Việt Nam – Bugatti Veyron 16.4, và đã gần 3 năm (2018) từ khi chiếc xe về chung bộ sưu tập hàng trăm tỉ đồng của ông chủ cà phê Trung Nguyên. Chiếc Bugatti Veyron đình đám tại Việt Nam trước đây có màu sơn 2 tông trắng - đỏ kết hợp, hiện chiếc Veyron đời 2008 này đã được thay đổi màu sơn sang màu trắng hoàn toàn, không còn phong cách 2 tông màu như trước. Ngoài ra xe cũng được thay thế cụm đèn pha của thế hệ Veyron nâng cấp có thiết kế hiện đại hơn. Vừa qua chiếc xe đã được mang ra trưng bày nhân dịp mở bán chính thức dự án thành phố Cà Phê ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Chiếc Bugatti Veyron này thuộc phiên bản tiêu chuẩn đời 2008, được
hãng xe Pháp sản xuất 252 chiếc trên toàn thế giới, trong tổng số 450 chiếc ở tất cả các phiên bản. Thiết kế của Veyron đơn giản nhưng mang tính khí động học cao, đặc trưng của Bugatti. Mặt trước nổi bật với lưới tản nhiệt dạng lưới cách điệu hình quả trứng, logo Bugatti màu đỏ được làm bằng bạc và có cân nặng 159gr được đặt ngay ngắn chính giữa, 2 hốc hút gió chia đều 2 bên của mũi xe.
Là một
siêu xe hàng đầu thế giới, nhưng dây chuyền lắp ráp của Bugatti Veyron tại Pháp chỉ được phụ trách bởi 25 người, và gần như không có sự xuất hiện của máy móc cũng như robot. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Mất khoảng 400 giờ để hoàn thành một chiếc Veyron, trong khi đó, chỉ riêng một chiếc lưới tản nhiệt của nó đã mất khoảng 15 giờ. Mỗi chiếc Veyron có khoảng 10 bộ tản nhiệt.
Điểm nổi bật trong thiết kế của Veyron là hệ thống làm mát. Hệ thống này gồm bộ tản nhiệt gồm 10 chiếc bao gồm 4 chiếc làm mát động cơ, 2 chiếc cho điều hòa, 1 chiếc cho dầu hộp số, 1 cho dầu động cơ, 1 cho dầu của bộ vi sai và 1 cho hệ thống làm mát. Điều đó cho phép các bộ phận hoạt động tối ưu khi xe hoạt động ở tốc độ cao nhất.
Khi xe đạt tới tốc độ 193 km/h ở chế độ Handling, cánh gió sau của lại có chức năng như một hệ thống phanh khí động học. Bởi khi người lái đạp phanh, cánh gió tự thay đổi sang góc 55 độ trong 0,4 giây. Hiệu suất hoạt động của cánh gió đó tương đương với hiệu quả phanh những
mẫu xe phổ thông. Chiếc xe sẽ đạt hết hiệu năng của mình khi cắm chiếc chìa khoá “vạn năng” với tên “Top Speed Key”, vì nếu không có chiếc chìa này, Veyron chỉ đạt được tốc độ được giới hạn ở mức 380 km/h. Khi cắm chiếc chìa này vào thì phần gầm xe vốn đã chỉ 125mm nay nằm sát chỉ còn vỏn vẹn 66mm.
Một điểm đặc biệt nữa ở Veyron mà không phải ai cũng biết đó là số lượng ống xả, nhiều người lầm tưởng chiếc xe chỉ có 2 cửa xả nằm ở chính giữa đuôi xe nhưng không, Bugatti đã khéo léo “giấu” 2 cửa xả nữa ở hai bên của bộ khuếch tán hoàn tằng bằng sợi carbon cho nên con số chính xác là 4. Bên trong là một hệ thống xả khủng gồm tận sáu bộ chuyển đổi xúc tác và một bộ giảm thanh với bốn ống xả ngắn để đảm bảo được những tiêu chuẩn về khí thải và tiếng ồn trên khắp thế giới, mặc dù được làm bằng titan nhưng cả hệ thống vẫn nặng đến 20kg.
Nội thất bên trong vẫn được giữ nguyên như lúc mới về Việt Nam với ghế da màu trắng, vô lăng cũng có màu trắng. Do ít sử dụng nên hầu như siêu xe này vẫn còn mới. Hệ thống âm thanh giải trí được bổ trợ bởi dàn loa và hệ thống âm thanh khủng của Burmester. Khung ghế được làm bằng sợi carbon trần siêu nhẹ. Ngoài ra là những chi tiết phay nhôm sáng bóng cực kì sang trọng như bộ cần số, cụm điều khiển trung tâm các nút tấm, lẫy gạt sau vô lăng,… Logo Ettore Bugatti (EB) được gắn trang trọng ở ngay sau bệ giữa 2 ghế.
Cung cấp sức mạnh cho “cựu vương” trong làng tốc độ thế giới này là khối động cơ W16 với dung tích 8 lít, 64 van, 4 trục cam, và 4 bộ tăng áp siêu hạng, tất cả khiến cho Veyron có được những chỉ số khủng như công suất đạt 1.001 mã lực và mô men xoắn cực đại 1.250Nm. Với khối động cơ này, cùng hệ dẫn động 4 bánh thông qua hộp số ly hợp kép 7 cấp (7 DGS) của hãng Ricardo, cho tốc độ sang số nhanh gấp 50 lần một cái chớp mắt, mang lại khả năng tăng tốc từ 0 - 100 km/h chỉ trong 2,5 giây, trước khi đạt ngưỡng tốc độ 407 km/h.
Siêu xe Veyron mất khoảng 2,5 giây để tăng tốc từ 0-100 km/h, nhưng nó còn mất ít thời gian hơn thế để dừng lại khi đang từ tốc độ 100 km/h. Để có thể khống chế được một cỗ máy siêu hạng như vậy, các nhà thiết kế, chế tạo đã trang bị cho Bugatti Veyron hệ thống phanh đĩa bằng carbon gốm có thể chịu được nhiệt độ ma sát lên tới 1000 độ C, bộ cùm phanh màu đen của chiếc Veyron tại Việt Nam được làm bằng vật liệu đặc biệt để tăng khả năng ma sát khi phanh. Khi phanh từ 400 km/h về 0 km/h, xe chỉ mất vẻn vẹn có 10 giây.
Tại tốc độ 407 km/h, bộ lốp của siêu xe này chỉ chịu được trong khoảng 15 phút. Cũng tại tốc độ đó, bình nhiên liệu 98 lít của xe sẽ hết sạch chỉ sau 12 phút, với mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình là 1,28 km/lít. Khi xe đạt tốc độ tối đa 407 km/h, nó sẽ "uống" khoảng 47.000 lít không khí mỗi phút, tương đương với lượng khí mà một người hít thở trong bốn ngày.
Mỗi chiếc Veyron được trang bị một bộ lốp Michelin Pilot Sport PAX đặc biệt mà không một siêu xe nào có, và cách lắp đặt cũng khác thường, không chỉ đơn thuần là gắn vào và bơm hơi, Bugatti sẽ dán chết vỏ vào với mâm xe bằng loại keo đặc biệt. Với thông số 265/680ZR500 99(Y) cho bánh trước và 365/710ZR540 108(Y) cho bánh sau, loại lốp này thậm chí còn chắc chắn hơn cả lốp dành cho máy bay dân dụng, và nếu muốn thay lốp, chiếc xe phải được chuyển sang Pháp.
Bộ mâm xe mạ chrome sáng bóng 10 chấu đơn có kích thước 20 inch ở phía trước và 21 inch ở phía sau. Giá một bộ vành và lốp của Bugatti Veyron tại nhà máy khoảng gần 90.000 USD, trong đó bộ lốp đã có giá 42.000 USD/4 cái và phải thay sau khi chạy 4.000 km hoặc 18 tháng để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, nếu không được sử dụng nó cũng có nguy cơ bị hỏng bất cứ lúc nào.
Vào thời điểm tháng 2/2012, đại gia Minh "Nhựa" đã nhập mẫu siêu xe này về dưới dạng Việt kiều hồi hương để được ưu đãi thuế, có giá khoảng 2,3 triệu USD, tương đương 40 tỷ đồng. Trong bảng giá của Bộ tài chính, danh hiệu mẫu xe có phí trước bạ cao nhất thuộc về mẫu siêu xe đình đám của Pháp này, với con số lên đến 66,182 tỷ đồng.
Theo xedoisong.vn