Ngày nay, nhắc đến tin tức xe Mercedes-Benz là người ta nghĩ ngay đến những chiếc xe cao cấp được ưa chuộng khắp nơi trên Thế giới.
Còn với những người am tường hơn về thế giới xe, Mercedes-Benz cũng có mối liên hệ gần gũi với chiếc xe hơi đầu tiên trong lịch sử Benz Patent-Motorwagen ra đời từ cuối thế kỷ 19. Đồng thời, đây cũng là một trong những nhà sản xuất xe hơi lâu đời nhất thế giới với tiền thân là Benz & Cie cũng như Daimler-Motoren-Gesellschaft (DMG). Sau khi 2 công ty này sáp nhập để hình thành nên Daimler-Benz vào năm 1926, những chiếc xe đầu tiên mang thương hiệu Mercedes-Benz cũng bắt đầu đi vào sản xuất.

Benz Patent Motor Car - chiếc xe hơi đầu tiên trên Thế giới
Nhưng có lẽ không nhiều người biết được rằng cái tên Mercedes đã xuất hiện trước thời điểm này khá lâu. Theo tìm hiểu, một ‘đại gia’ gốc Áo Emil Jellinek đã tìm đến DMG để đặt hàng một mẫu xe thể thao đột phá. Chiếc xe này được ông phác thảo với những yêu cầu nghiêm ngặt nhằm khắc phục các nhược điểm mà những chiếc xe không ngựa kéo thường gặp phải. “Tôi không muốn một chiếc xe cho hôm nay hay ngày mai, đó sẽ là chiếc xe của mai sau.” Và nó đặt theo tên người con gái của ông - Mercedes Jellinek.

Emil Jellinek
Jellinek bắt đầu nhận chiếc Mercedes đầu tiên vào tháng 12/1900 tại Nice, Pháp. Đến năm 1901, Mercedes bắt đầu gây tiếng vang khi liên tiếp đánh bại mọi đối thủ trong các cuộc đua ở Nice và gây kinh ngạc cho toàn thể ngành công nghiệp ô tô lúc đó. Nhờ tiếng vang long trời lở đất của Mercedes, công việc kinh doanh của DMG phát triển vượt bậc. Công ty luôn hoạt động trong tình trạng hết công suất và liên tục gia tăng về lực lượng lao động trong những năm tiếp theo. Đến năm 1902, DMG đã quyết định sử dụng Mercedes làm nhãn hiệu cho toàn bộ dòng sản phẩm của mình.
Và đó là một trong những viên gạch quan trọng đặt nền móng cho sự thăng tiến của tập đoàn Daimler cũng như thương hiệu Mercedes-Benz về sau này. Nhưng chỉ chừng đó thôi là chưa đủ bởi
hãng xe đến từ Đức vẫn luôn chủ động trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ mới. Chính Mercedes-Benz là cái tên đi đầu của rất nhiều công nghệ phổ biến trên ô tô ngày nay.
Đơn cử là vào năm 1921, Mercedes-Benz đã trở thành thương hiệu đầu tiên đưa hệ thống siêu nạp lên xe hơi sản xuất hàng loạt với sự ra đời của các model ‘Kompressor’. Hãng này không phát minh ra hệ thống siêu nạp. Trên thực tế, công nghệ này được cho là bắt đầu xuất hiện kể từ những năm 1880.
15 năm sau, Mercedes-Benz lại trình làng chiếc xe máy dầu sản xuất hàng loạt đầu tiên mang tên 260D. Động cơ diesel vốn là phát minh của Rudolf Diesel, ban đầu được áp dụng trên xe tải, tàu thuyền. Về sau, một số hãng xe đã bắt tay nghiên cứu để thu nhỏ và giảm cân cho loại động cơ. Nhưng Mercedes-Benz mới là cái tiên đầu tiên thương mại hóa thành công động cơ diesel trên xe hơi cá nhân.
Xe máy dầu đột ngột phất lên trông thấy vào thập niên 70 do giá xăng trở nên đắt đỏ và đặc tính tiết kiệm của chính động cơ diesel. Và để gia tăng sức hút cho sản phẩm của mình, Mercedes-Benz đã ứng dụng công nghệ tăng áp lên những chiếc xe máy dầu của mình nhằm nâng cao hiệu năng của chúng. Và 300SD S-Class W116 đã trở thành chiếc xe diesel đầu tiên được tích hợp công nghệ này.
Cũng trong giai đoạn này, ngôi sao 3 cánh lại tiếp tục ứng dụng một công nghệ khác, lần này là liên quan đến trang bị an toàn. Đó là hệ thống chống bó cứng phanh điện tử eABS với hiệu quả vượt trội so với ABS cơ khí ra mắt từ thập niên 60. Và chiếc xe có vinh dự này lại là S-Class W116.
Giai đoạn từ cuối thập niên 80 trở đi là thời kỳ bùng nổ của các công nghệ an toàn trên những dòng xe cao cấp của Mercedes-Benz. Đơn cử như thế hệ SL-Class R129 đã trở thành dòng xe mui trần đầu tiên được trang bị hệ thống khung chống tự động. Ở trạng thái bình thường, hệ thống này sẽ ‘núp’ phía sau ghế ngồi. Nhưng khi nhận tín hiệu từ máy tính nếu cảm biến nhận thấy có nguy cơ xảy ra hiện tượng lật xe, thanh chống này sẽ tự động phóng lên chỉ trong vòng 0,3 giây và cùng với bộ khung kính chắn gió nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của xe.
Đến đầu thập niên 1990, S-Class W140 đã được áp dụng công nghệ kính cách âm nhằm nâng cao trải nghiệm cho người ngồi bên trong cabin. Trang bị này không chỉ giúp hạn chế đáng kệ tiếng ồn do lốp xe gây ra mà còn giảm thiểu tình trạng nước ngưng tụ. Dù vậy, Mercedes-Benz về sau đã phải tháo bỏ loại kính trên do trọng lượng xe tăng lên và gây tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn.
Cũng trong thập niên này, CL600 đã trở thành chiếc xe đầu tiên sở hữu công nghệ cân bằng điện tử ESC. ESC cùng với những hệ thống tương tự là một trong những công nghệ an toàn quan trọng nhất và được cho là đã cứu sống hàng chục ngàn mạng sống kể từ khi ra đời.
Hỗ trợ hãm phanh là công nghệ giúp tối đa lực phanh trong những trường hợp khẩn cấp. Công nghệ này do phát triển bởi TRW và được Mercedes-Benz trang bị trên S-Class W140 kể từ năm 1996. 2 năm sau, nó trở thành trang bị tiêu chuẩn trên toàn bộ dòng sản phẩm của hãng.
Cũng trong năm 1998, Mercedes-Benz tung ra thế hệ tiếp theo của dòng sedan hạng sang S-Class, tên mã W220. Một trong những công nghệ đỉnh nhất trên xe chính là hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng ACC với nhiều tính năng vượt trội so với kiểm soát hành trình thông thường. Trước Mercedes-Benz, một số hãng đã bắt đầu ứng dụng hệ thống tương tự nhưng chưa hoàn chỉnh.
Một công nghệ tiên tiến khác trên W220 chính là Keyless-Go. Với công nghệ này, người dùng không cần rút chìa khóa ra khỏi túi mà vẫn có thể ung dung mở cửa và lên xe nhấn nút nổ máy. Sang đến năm 2000, S-Class W220 cùng với Cadillac DeVille là những dòng xe sang đầu tiên trên thế giới được trang bị ghế mát-xa.
Ngoài xe chở khách, Mercedes-Benz cũng là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường xe thương mại, bao gồm van, xe tải cỡ lớn và xe bus. Trong đó, dòng xe tải Actros đã trở thành mẫu xe thương mại đầu tiên được tích hợp hệ thống cảnh báo chuyển làn. Hệ thống này hoạt động dựa trên dữ liệu từ camera liên tục theo dõi vạch kẻ trên đường. Nó sẽ nhắc nhở người lái nếu nhận thấy xe chuyển làn một cách bất thường vì một lý do nào đó. Trong khi đó, Nissan Cima F50 (dành riêng cho Nhật Bản) lại là chiếc xe dân dụng đầu tiên sở hữu công nghệ này, chỉ sau Actros đúng 1 năm.

Thế hệ tiếp theo của S-Class là W221 cũng như CL-Class C216 lại tiếp tục thể hiện vị thế tiên phong của Mercedes-Benz trong lĩnh vực công nghệ an toàn. Theo đó, chúng là những model đầu tiên được tích hợp hệ thống phanh khẩn cấp tự động AEB, hoạt động dựa trên dữ liệu radar. AEB có thể đưa ra cảnh báo sớm hoặc chủ động hãm phanh gấp nếu người lái không có phản ứng phù hợp trước nguy cơ xảy ra đâm va. Vào năm 2021 và 2022, mọi chiếc xe mới tại EU và Mỹ đều phải được trang bị AEB mới được phép lưu hành.
Theo xedoisong.vn