Để một chiếc xe có thể đứng vững trước thử thách của thời gian, nó cần phải tạo dấu ấn về một mặt nào đó trong Thế giới xe mô tô. Một số mẫu xe đã chứng minh bằng số lượng bán ra trong thời gian sản xuất của chúng. Còn một số khác, đặc biệt là những chiếc xe đi trước thời đại lại chứng tỏ giá trị của mình bằng cách tăng sức hấp dẫn sau khi ngừng sản xuất. Và có vẻ Honda đã sản xuất ra một lượng lớn những xe mang nhiều ý nghĩa và nhận được sự quan tâm lâu dài.
Danh sách Top 10 dưới đây không phải là toàn bộ các mẫu xe hai bánh hoàn hảo nhất mọi thời đại của Honda, và nó cũng không bao gồm những chiếc xe mang tính biểu tượng hay được dân sưu tập khao khát săn lùng. Chính vì vậy chúng ta có thể ngoại trừ những chiếc xe hiếm như NR750, RC40, RC45, VFR400 hay NSR250... Thay vào đó, danh sách này sẽ tập trung vào các dòng xe lâu đời được sản xuất thương mại có tầm ảnh hưởng nhất.
Honda Super Cub.
Nếu để nói đến chiếc xe nào đó không bị ảnh hưởng bởi thời gian thì đó chính là Honda Super Cub. Được đưa vào sản xuất (gồm nhiều thế hệ khác nhau) kể từ năm 1958, Honda đã bán ra hơn 100 triệu xe. Theo báo cáo, đây là phương tiện hai bánh bán chạy nhất trong lịch sử. Qua nhiều thập kỷ, Super Cub luôn được ưu tiên lựa chọn ở các quốc gia đang phát triển bởi sự tiện dụng và giá thành hợp lý khiến nó trở nên phổ biến.
Điều này khác xa với vai trò là một phương tiên di chuyển cá tính mà nó truyền cảm hứng cho các biker Mỹ vào năm 1960. Ngày nay tính thực tế của mẫu xe này cũng có sức hút với những người Mỹ đang tìm kiếm một phương tiện di chuyển cơ động, đơn giản cũng như vẫn phải có ngoại hình đẹp. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều người với những phong cách khác nhau trên chiếc Honda.
Quay trở lại những năm 1990, động cơ 2 xy-lanh 1.000cc so với 4 xy-lanh 750cc về lý thuyết dường như là một cuộc chiến công bằng. Nhưng động cơ 4 xi-lanh của Nhật Bản, bao gồm cả phiên bản đặc biệt RC45 được Honda tạo ra để giành chiến thắng đã bị “hạ bệ” bởi một cỗ máy V-Twin đến từ nước Ý - Ducati 916. Do bị chạm tới lòng tự trọng nên Honda quyết định lên ý tưởng và cho ra đời mẫu xe RC51.
Một kỷ nguyên mới mở ra khi chiếc xe bán ra tại các cửa hàng với mức giá 9.999 USD vào thời đó. RC nằm trong tầm với của đa số mọi người, nó giống như một món hời so với đối thủ từ Ý và cũng đã nhanh chóng giành được nhiều chiến thắng tại các chặng đua vòng quanh Thế giới. Đối với người hâm mộ đua xe, RC51 sẽ luôn gắn liền với hình ảnh của hai tay đua: Colin Edwards và Nicky Hayden. Ngày nay nó giống như một phần của lịch sử đua xe. Phiên bản khiến nhiều người thèm muốn nhất là SP2, đặc biệt là bản Nicky Hayden năm 2004.
2001 Honda Gold Wing
Gold Wing có thể được coi là chiếc mô tô hàng đầu của Honda. Đối với một công ty có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đua xe, đó là minh chứng cho sự phổ biến của ‘Wing trên thị trường. Hiện tại đã ở thế hệ thứ sáu, Gold Wing hầu như không giống với thế hệ đầu tiên với động cơ 4 xi-lanh và khung thép ống của năm 1974 điều gì, ngoại trừ tên gọi.
Gold Wing thực tế đã tạo nên sự khởi đầu cho phân khúc xe touring hạng nặng và vẫn là một tiêu chuẩn nhất định cho các mẫu xe sử dụng đường dài. Ông vua đường trường GL1800 thế hệ trước (2001-2017) sau 16 năm ra mắt thì đây vẫn là một trong những chiếc xe tiêu biểu cho dòng touring cỡ lớn.
1994 Honda VFR750F (RC36-2)
Chiếc Interceptor nguyên bản cuối cùng đã nhường chỗ cho phiên bản đặc biệt (VFR750R) và VFR750F hướng tới việc di chuyển trên đường phố nhiều hơn. Theo thời gian sự phân chia này thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn. Interceptor được chia thành hai nhánh – một nhánh không thể hiện tính thực dụng và nhánh còn lại thể hiện sự “đa năng”. Honda tập trung nỗ lực vào những chiếc CBR động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng thay vì lắng nghe người tiêu dùng với mong muốn sử dụng động cơ V-4 giống như những chiếc xe chạy trong trường đua.
Vào những năm 90, VFR là một trong những chiếc mô tô thể thao có khả năng đi tour đường dài. Từ năm 1990 đến năm 1997 nó là một trong những chiếc Honda được đánh giá cao nhờ vào hiệu suất và khả năng sử dụng toàn diện. Sự cầu kỳ của Honda được thể hiện rõ trên VFR - dải tua máy mượt mà của nó là minh chứng rõ nhất cho một cùm ga kèm bộ chế hòa khí được tinh chỉnh hoàn hảo.
Dù vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu VFR750F tiếp tục là nền tảng xe sportbike của Honda thay vì CBR Fireblade? Và liệu Honda sẽ tung ra một phiên bản hiện đại của RC36-2? Đó là câu hỏi được nhiều người yêu mô tô đặt ra.
1993 Honda CBR900RR Fireblade
Không “ngoa” khi nói Honda CBR900RR đời 1993 là một nhân tố quan trong việc khởi đầu cho các cuộc cạnh tranh phân khúc 1000cc của thập kỷ sau. Vào thời điểm đó những chiếc xe với dung tích máy 1.000cc thường có dáng sport touring - ví dụ điển hình là Kawasaki ZX-11. Vì vậy khi CBR ra mắt vào năm 1993 với động cơ dung tích gần tương đương nhưng trọng lượng nhẹ hơn 65kg so với ZX-11, tất cả Thế giới xe đều biết rằng mọi thứ sắp thay đổi.
Kể từ đó CBR đã trở thành mẫu xe chiến lược trong dòng sản phẩm của Honda ngay cả khi có thêm nhiều chiếc xe khác, tương tự như RC51 đã trở thành mẫu superbike hàng đầu trong trường đua. Fireblade thế hệ đầu tiên của kỹ sư Tadao Baba vẫn là một trong những chiếc sportbike mang tính biểu tượng nhất của mọi thời đại.
1990 Honda Hawk GT/NT650/Bros 650
Hãy tưởng tượng nếu Honda ra mắt một chiếc nakedbike V-Twin 647cc với hệ thống khung nhôm kép kiểu
xe đua và gắp đơn được thiết kế bởi ELF tại EICMA năm 2021. Nó chắc chắn sẽ được mọi người chú ý. Vấn đề là Honda đã từng tạo ra chiếc xe này từ năm 1988-1990. NT650 hay Hawk GT không phải là một chiếc xe bán chạy do nó đã đi trước thời đại quá xa. Nhưng hiện tại nó đang là một tác phảm kinh điển.
Hawk GT là một chiếc xe thành công nhất mà người chơi mô tô nào cũng nên có. Không thể phủ nhận rằng nó có thiết kế cực “ngầu” nhưng vẫn giữ được sự tiện dụng, dễ lái bởi trọng lượng nhẹ, kiểu dáng thể thao. Và thực thế đã chỉ ra rằng dòng xe này cũng cực kỳ bền bỉ. Hawk hấp dẫn và giá cả phải chăng đến mức một số người sở hữu một lúc vài chiếc.
1989 Honda GB500
Là sự tái hiện của Honda về một chiếc mô tô Anh Quốc với động cơ một xi-lanh 500cc. GB500 Tourist Trophy lại là một chiếc mô tô đi trước thời đại khác mà chỉ được nhìn nhận đúng đắn nhiều năm sau khi nó bị “khai tử”. Được sản xuất vào năm 1989-1990, GB không hề bán chạy bởi các yếu tố sau. Đầu tiên, nó sử dụng động cơ xi-lanh đơn. Thứ hai là 30 năm trước, phong cách cafe racer cổ điển không thịnh hành như ngày nay. Vì vậy những gì chúng ta có ở đây là một chiếc mô tô hoài cổ được tạo ra trước khi trào lưu hoài cổ “hot” như hiện tại.
GB500 chia sẻ chung cục máy với chiếc “cào cào” XR500 đời 1983 cùng bộ chế hòa khí Keihin đường kính 42mm. Ngoài ra còn trang bị hệ thống treo của Showa có thể điều chỉnh tải trước, khời động bằng điện và cần đạp, phanh đĩa thủy lực trước sau và cân nặng chưa tới 181kg khi đổ đầy bình xăng. Nó có thể không phải Velocette hay BSA, nhưng là một chiếc classic đúng nghĩa. Nói cách khác đó là một ý tưởng không thành công cho đến nhiều thập kỷ sau đó.
1983 Honda VF750F Interceptor
Honda từ lâu đã gắn liền với động cơ V4, phần lớn là nhờ vào sự đột phá của Honda Interceptor năm 1983. Đây một trong những chiếc xe thương mại đầu tiên - cùng với Suzuki-R750 năm 1985 - đã hình thành nên phân khúc sportbike mà chúng ta đã biết. Những người Mỹ ở thời điểm đó có một suy nghĩ đơn giản là chỉ quan tâm tới hiệu suất trên đường thẳng. Còn Interceptor đã chứng minh ngược lại, nó khiến cho mọi người cảm thấy hứng thú với những khúc cua.
Không lâu trước khi người sử dụng “phát cuồng” vì những chiếc sportbike, mục tiêu chính của Honda đối với Interceptor là thành công trên đường đua. Đối với mùa giải năm 1983, AMA đã giảm giới hạn dung tích động cơ trong phân khúc superbike từ 1000cc đến 750cc với hy vọng khắc phục những hạn chế trong việc điều khiển qua các khúc cua của những chiếc mô tô công suất lớn. Trong khi đó Interceptor giành sáu chiến thằng liên tiếp vào năm 1983, Wayne Rainey đã giành chức vô địch khi vượt qua chiếc Muzzy Kawasaki GPz750. Sau đó Honda tiếp tục giành được 5 chức vô địch tiếp theo.
1979 Honda CBX1000
CBX 1979 dường như đại diện cho hành động mở rộng quảng bá thương hiệu hơn là xu hướng phát triển riêng thế giới mô tô. Nhận định này có thể được rút ra khi xét tới việc chiếc Interceptor đầu tiên phải 4 năm sau mới được ra mắt - và nó nhẹ hơn nhiều so với CBX để có thể đem tới cảm giác điều khiển linh hoạt. Chính vì vậy CBX không phải là một chiếc sportbike, và nó cũng không phải là một mẫu xe touring như Gold Wing.
Thay vào đó, CBX1000 đơn giản chỉ là một chiếc xe cực “ngầu”. Động cơ 1047cc được treo dưới hệ thông khung và có 6 đường ống xả được mạ crom sáng bóng làm nổi bật lên vẻ đẹp của nó. CBX được thiết kế bởi Soichiro Irimajiri, người chịu trách nhiệm tạo hai chiếc xe đua Grand Prix 6 xi-lanh RC165 và RC166 hiện nay đã trở thành huyền thoại.
Trong khi Honda được biết đến với việc bổ sung thêm xi-lanh vào những chiếc xe đua của mình vào những năm 60 để chiếc xe có vòng tua dài hơn và nhiều mã lực hơn thì CBX lại chỉ có 9.000 vòng/phút và công suất cho ra 105 mã lực, Trọng lượng ướt là 272 kg. CBX là một chiếc xe được Honda tạo ra đơn giản chỉ để trình diễn những gì mà hãng có thể làm được, và nó gây ấn tượng mạnh với nhiều thế hệ biker sau đó chỉ vì sự phô trương của mình.
1969 Honda CB750
Có thể coi CB750 vừa là chiếc xe hợp lý để kết thúc bài viết này, nhưng đồng thời nó cũng đánh dấu một thời đại mới của toàn ngành mô tô khi ra mắt. CB750 là sự tổng kết lại tất cả những thành công của Honda đạt được: các chiến thắng trong các giải đua lớn với những mẫu xe đua động cơ nhiều xi lanh; và danh tiếng khi sản xuất ra hàng loạt những chiếc mô tô xi lanh đơn phân khổi nhỏ và xi lanh đôi tầm trung.
CB750 dường như là một tượng đài trong việc duy trì được tiếng tăm qua hàng thập kỷ. Đồng thời nó khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, trong đó những chiếc superbike với động cơ 4 xi-lanh tới từ Nhật là thứ được nhắc tới đầu tiên khi người ta nghĩ về mô tô hiệu năng cao. CB750 đã thay đổi Thế giới mô tô.
Theo xedoisong.vn